(Dân trí) Sáng nay (23/3), tại cuộc Tọa đàm trực tuyến về “Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, các diễn giả tham gia tọa đàm cho biết: “Các hành vi vi phạm SHTT bị xử lý nặng hơn khi TPP có hiệu lực”.
Tại cuộc Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chinh phủ tổ chức trên, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, các quy định bảo vệ SHTT trong TPP cũng có một số điểm khác với một số Hiệp định thương mại khác.
“Một số đối tượng bảo hộ SHTT được mở rộng phạm vi hơn hoặc thời hạn như bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp ngoài bảo hộ tổng thể, còn có qui định bảo hộ từng phần hay bảo hộ sáng chế, sản phẩm được mở rộng ra cả bảo hộ chức năng, quy trình sử dụng sản phẩm, sáng chế đó.
Đồng tình với ông Lâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói: “TPP không bắt buộc các nước như Việt Nam bỏ biện pháp hành chính để bảo hộ SHTT nhưng cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp về dân sự như có thể tịch thu, tiêu hủy sản phẩm vi phạm SHTT ở mức độ cao hơn các hiệp định trước đây”.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng cho biết, trong TPP, Việt Nam phải tăng cường cả bảo hộ quyền SHTT, quyền tác giả trong môi trường số.
“Chúng tôi hiện nay đã được giao nghiên cứu, qui định cụ thể hơn nữa về ứng dụng công nghệ thông tin để bảo hộ SHTT, bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số”, ông Hùng nói.
Ông Lê Ngọc Lâm cũng nêu một thông tin đáng chú ý: “Khi vào TPP, cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tính tới là bảo hộ cả các nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi…”.
“Làm được những điều này không dễ nhưng Việt Nam cũng phải nỗ lực. Có những vấn đề bảo hộ như nhãn hiệu về vị, tuy không được đặt ra trong quy định cuối của TPP nhưng cũng hết sức khó, vì nó có tính cảm quan lớn. Nhưng cũng là điều phải cảnh báo vì đó là đối tượng đặc thù”, ông Lâm nói.
Từ những thông tin trên, các diễn giả đều thống nhất cho rằng, các doanh nghiệp sẽ phải rất chú ý để không vi phạm quyền SHTT khi Việt Nam đã vào TPP.
“Có không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có hành vi chào bán sản phẩm trên mạng nhưng sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp khác, vi phạm quyền SHTT… Nếu họ không từ bỏ các việc làm này thì khi Hiệp định TPP có hiệu lực, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ vướng vào vòng lao lý, biện pháp hình sự sẽ áp dụng trong trường hợp như vậy”, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cảnh báo.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco cũng cho rằng: “Trong lĩnh vực dược phẩm, có nhiều giá trị sáng tạo rất cần được bảo vệ. Nhưng hiểu biết về bảo hộ SHTT hiện nay ở VN chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn làm ăn chộp giật, hớt váng nhiều… thì cách lấy của người ta làm của mình, thực ra là ăn cắp sẽ phải chấm dứt. Muốn phát triển bền vững, hội nhập phải tôn trọng quyền SHTT”.
Cho rằng, ngoài việc nâng cao hiểu biết về bảo hộ SHTT để tránh vi phạm, bà Thuận cũng nêu một kinh nghiệm của doanh nghiệp mình: “Nắm được luật chơi, thì chúng ta cũng có hoạt động sáng tạo để tạo ra giá trị riêng của mình. Hay chúng ta cũng cần biết là nếu có những sản phẩm giá trị, hết thời gian bảo hộ thì có thể tận dụng, để kinh doanh được tốt hơn”.
“Doanh nghiệp ta thường không có nhiều tiền đầu tư cho phát minh. Ví dự như thuốc độc quyền rất đắt nhưng hết thời gian bản quyền thì được sử dụng với giá thành thấp hơn”, bà Thuận nói.
Trả lời câu hỏi về vấn đề, tham gia TPP, người dân nghèo Việt Nam sẽ khó tiếp cận với những biệt dược do giá quá đắt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói: “Vấn đề người nghèo phải giải quyết cách khác. Toàn xã hội chăm lo người nghèo, nếu không có tiền dùng biệt dược thì nhà nước phải lo”.
“Đó mới là cách tiếp cận đúng đắn. Không thể vì lý do dân tôi còn nghèo mà vi phạm SHTT với biệt dược”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Mạnh Quân