Posted on

TRUY XUẤT NGUỒN GỐC ĐIỆN TỬ: NIỀM TIN CHO THỰC PHẨM SẠCH

Khi dùng hệ công cụ này và sử dụng tem truy xuất QR code, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone chụp lại tem truy xuất và có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình đang chuẩn bị mua.

Truy xuất nguồn gốc điện tử, chìa khóa để hội nhập

Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, hòa mình vào xu hướng hội nhập. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp VN còn nỗ lực để có thể chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất các loại thực phẩm đạt chuẩn Gap, GlobalGap, ASC, BAP… Những sản phẩm chất lượng cao này đã được chuyển đến tay người tiêu dùng nhưng trên bao bì chỉ có nhãn hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng mà không hề có thông tin cụ thể gì về quy trình.

Mặt khác, trên báo chí thời gian gần đây nhiều thông tin về thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm chứa chất bảo quản gây hại cho sức khỏe như khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt, thịt heo có chứa chất tạo nạc, cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm… Đó cũng được cho là lý do khiến tỉ lệ người bị ung thư ở Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới vì lý do ăn uống. Vì vậy, việc phải có một phương pháp thông tin hiện đại để người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn xuất xứ và chất lượng sản phẩm là  tất yếu.

Về việc truy xuất nguồn gốc, thế giới cũng như Việt Nam đã có quy định. Ví dụ: Luật chống khủng bố sinh học của Mỹ, quy định về truy xuất nguồn gốc của cộng đồng Châu Âu, ở VN có thông tư số 03 và 72 của Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn.

Ở các quốc gia trên thế giới, hệ thống tiêu chuẩn nhà nước sẽ độc lập với các hệ thống siêu thị, các nhà bán lẻ. Ví dụ DN kinh doanh thực phẩm sạch bán ở thị trường Châu Âu được công nhận đạt chuẩn, nhưng muốn bán sản phẩm ở những siêu thị cụ thể thì hệ tiêu chuẩn độc lập cao hơn tiêu chuẩn nhà nước.

Tổ chức hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu GCF là đơn vị chuyên hỗ trợ các DN trong việc xây dựng công cụ truy xuất nguồn gốc, tập trung hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ trực trực tiếp cho doanh nghiệp.

Cụ thể GCF, sẽ hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp, thuê chuyên gia nước ngoài chuyên tư vấn hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Thuê các chuyên gia về an toàn thực phẩm, chuyên gia về mã số mã vạch, tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp về tăng cường nhận thức về an toàn thực phẩm, kỹ năng để họ thực hiện kỹ năng về nhập truy xuất, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý của đơn vị sản xuất.

Việc truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là vấn đề cần phải làm ngay từ bây giờ. Đứng trước nhu cầu lớn đó, từ 2011, được sự hỗ trợ của tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF), một nhóm các nhà nghiên cứu của công ty Cổ phần KHCN Sắc ký Hải Đăng (TP.HCM) đã xây dựng dự án mang tên TraceVerified – truy xuất nguồn gốc điện tử.

Hiện nay, đa số các DN tại Việt Nam đều xây dựng quy trình truy xuất hàng hóa. Song, các đơn vị này không thực hiện việc truy xuất điện tử mà làm bằng tay. Mã số được sử dụng để truy xuất không phải người nào cũng có thể nhận biết được.

Tức là mã này theo những quy chuẩn chung tự đơn vị đặt mã nên chỉ  đơn vị đó hiểu mã đó. Với cách làm này, khả năng DN hội nhập toàn cầu bị hạn chế vì cách làm truy xuất nguồn gốc thủ công này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khi quản lý bằng giấy tờ, mã đó được in trên sản phẩm và khi vận chuyển đến, đơn vị nhận hàng phải chụp hình mã đó gửi về và đơn vị xuất hàng phải vào kho lục lại giấy tờ để kiểm tra, xác nhận. Đây là phương pháp làm thủ công gây nhiều khó chịu cho các doanh nghiệp do có quá nhiều hàng hóa và có quá nhiều nguồn khác nhau.