Ngày nay việc đăng ký sở hữu trí tuệ hay bảo hộ nhãn hiệu tập thể là điều hết sức quan trọng và cần thiết với các các nhân, doanh nghiệp hay một tập thể nào đó. Bởi có thực hiện công việc này thì quyền lợi hợp pháp của người kinh doanh cũng như các sản phẩm sáng chế của họ mới được pháp luật bảo vệ tốt nhất.
Đối với những tỉnh thành, làng nghề truyền thống có nhiều sản phẩm mang tính chất riêng và độc quyền thì tốt nhất nên thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể để xác định tên tuổi cũng như vị trí của mình trên thị trường, thúc đẩy nền kinh tế của địa phương và đất nước phát triển. Nếu bạn không thể tiến hành các thủ tục ấy thì cũng có thể nhờ đến các đơn vị cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ giúp đỡ.
* Điều kiện đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể:
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Nhìn thấy được: Được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
+ Có khả năng phân biệt: Có thể dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể thuộc về tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp. Trường hợp nhãn hiệu chứa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ thì tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại địa phương tương ứng với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đó có quyền nộp đơn (Điều 87 – Luật SHTT).
* Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể:
– Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể bao gồm các tài liệu sau:
+ 02 tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có mẫu nhãn hiệu, phần mô tả nhãn hiệu, danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
+ Phần mô tả nhãn hiệu trong tờ khai phải nêu rõ nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể; các yếu tố cấu thành; ý nghĩa của nhãn hiệu; phiên âm từ ngữ thuộc ngôn ngữ hình tượng; dịch sang tiếng Việt của từ ngữ bằng tiếng nước ngoài; nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình; nếu yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu màu thì phải chỉ rõ yêu cầu đó và nêu tên màu sắc thể hiện trên nhãn hiệu.
+ Danh mục hàng hoá, dịch vụ phải được nêu rõ và xếp nhóm phù hợp theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá dịch vụ (ban hành kèm theo Thoả ước Ni-xơ).
+ Mẫu nhãn hiệu: 5 mẫu; thể hiện đúng màu sắc yêu cầu bảo hộ, có ảnh chụp hoặc hình vẽ phối cảnh nếu nhãn hiệu là hình ba chiều.
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể: Quy chế phải có đủ nội dung tối thiểu theo quy định, bao gồm tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể; tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể; danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu; điều kiện sử dụng nhãn hiệu; biện pháp xử lý vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu; thông tin về nhãn hiệu và hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; nghĩa vụ của người được sử dụng nhãn hiệu; quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu.
+ Chứng từ nộp lệ phí.
+ Bản thuyết minh tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù).
+ Nếu nhãn hiệu xin đăng ký có chứa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, chủ đơn phải nộp kèm theo đơn tài liệu xác nhận tổ chức đăng ký nhãn hiệu tập thể là tổ chức của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại địa phương tương ứng với chỉ dẫn địa lý.
– Đơn phải có tính thống nhất: Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký 1 nhãn hiệu dùng cho 1 hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ.