Posted on

Làm thế nào để bảo hộ logo toàn diện và hiệu quả nhất

Bảo hộ logo là cách thức cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Một logo được bảo hộ giúp chủ sở hữu chống lại những hành vi ăn cắp, bắt chước hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp có thể lựa chọn hai hình thức bảo hộ logo là đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ , thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc đăng ký bản quyền tác phẩm Mỹ thuật ứng dụng tại Cục Bản quyền tác giả, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

1. Bảo hộ logo bằng cách đăng ký bản quyền

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong trường hợp logo được tạo ra trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao việc thì quyền tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ hoặc bên giao việc theo hợp đồng.

Logo thuộc đối tượng “mỹ thuật ứng dụng” được bảo hộ theo các qui định của Bản quyền tác giả. Quyền tác giả đối với logo phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, bảo hộ logo tại Cục bản quyền giúp doanh nghiệp chứng minh quyền sở hữu Logo khi xảy ra tranh chấp hay bị xâm phạm, sao chép.

1.1. Ưu điểm khi Bảo hộ logo bằng bản quyền

Ưu điểm của bảo hộ logo bằng cách đăng ký bản quyền là thời gian cấp giấy chứng nhận nhanh, chỉ trong khoảng 1 tháng.

Bên cạnh đó, do chỉ xem xét về hình thức thể hiện nên khả năng logo được cấp giấy chứng nhận cao và tài liệu này vẫn được coi là một loại chứng cứ khi có tranh chấp.

1.2. Hạn chế khi Bảo hộ logo bằng bản quyền

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là hệ thống pháp luật của bản quyền chưa hoàn thiện, có chế thực thi và bảo vệ quyền chưa tốt dẫn tới rất khó khăn trong việc ngăn chặn các hành vi làm giả, làm nhái.

Với giấy chứng nhận bản quyền, chủ sở hữu sẽ khó khăn khi yêu cầu các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường can thiệp.

2. Bảo hộ logo bằng cách đăng ký nhãn hiệu

Logo là những dấu hiệu đã được thiết kế độc đáo để phân biệt hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự của các tổ chức cá nhân khác nhau và được bảo hộ như là Nhãn hiệu.
Để bảo hộ logo dưới hình thức nhãn hiệu, cần đáp ứng được 2 điều kiện cơ bản sau:

– Logo không thuộc các trường hợp bị từ chối bảo hộ như: mang tính mô tả bản chất, công dụng, chức năng…của sản phẩm/dịch vụ; không chứa các dấu hiệu cấm, không chứa những yếu tố trái với trật tự xã hội…

– Không trùng/tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký trước, cho nhóm sản phẩm/dịch vụ trùng tương tự của chủ thể khác;

2.1. Ưu điểm khi Bảo hộ logo bằng đăng ký Nhãn hiệu

Đăng ký bảo hộ logo tại Cục Sở hữu trí tuệ để xác lập quyền sở hữu độc quyền nhãn hiệu đối với Logo. . Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho Logo giúp doanh nghiệp ngăn chặn đối thủ cạnh tranh cũng như các bên khác sử dụng logo trùng hoặc tương tự gây ra sự nhầm lẫn thương hiệu. Đặc biệt doanh nghiệp có quyền khởi kiện những hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu của mình để được những bồi thường xứng đáng.

Hiện nay hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, cơ chế thực thi và bảo vệ tốt. Khi phát hiện có hành vi làm giả, làm nhái hoặc chủ sở hữu có thể yêu cầu cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường hoặc hải quan vào cuộc xử lý.

2.2. Hạn chế khi bảo hộ logo bằng đăng ký nhãn hiệu

Do điều kiện thẩm định chặt chẽ và khắt khe, logo sẽ khó được bảo hộ nếu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác. Thời gian thẩm định kéo dài, để được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu doanh nghiệp phải chờ đợi từ 16 đến 18 tháng. Trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu bị từ chối hoặc phản đối, thời gian này có thể kéo dài hơn do phải theo đuổi các thủ tục trả lời, khiếu nại.

Để tăng cường và mở rộng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chống lại các hành vi sao chép, bắt chước, Doanh nghiệp nên xem xét bảo hộ logo đồng thời theo hai phương án là Đăng ký Nhãn hiệu và Đăng ký Bản quyền.