Posted on

Bản tin Sở Hữu Trí Tuệ 01 – Tháng 09/2018: ” BỊ PHẠT TÙ VÌ VI PHẠM BẢN QUYỀN NHẠC KARAOKE”

TIN TỨC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ
MỚI NHẤT MÀ BẠN KHÔNG THỂ BỎ QUA

Bị phạt tù vì vi phạm bản quyền nhạc Karaoke

Một người đàn ông ở Vương quốc Anh đã bị kết án tám tháng, sau khi bị tuyên án có tội trong việc sản xuất và phân phối bất hợp pháp các bài hát karaoke trực tuyến.

Steve Mather, sống tại Lancashire, đã nhận tội về hành vi vi phạm bản quyền tại Manchester Crown Court vào cuối tháng 6. Cơ quan xử lý Tội phạm Sở hữu trí tuệ của Vương quốc Anh (PIPCU) đã ra tuyên bố kết án vào ngày ngày 9 tháng 8.

Vào năm 2015, Hiệp hội ngành công nghiệp âm nhạc Vương quốc Anh (BPI) đã gửi cho PIPCU một yêu cầu sau khi một trong các thành viên của BPI là Digitop biết sự tồn tại của các tài khoản trực tuyến có tên KaraokeRG và Karaokekid.

Các tài khoản được sở hữu bởi Mather đã cho phép công chúng sử dụng các bài hát karaoke lậu mà không được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền là Digitop và Sunfly Karaoke.

Sau đó, vào tháng 12 năm đó, PIPCU đã thực hiện lệnh khám xét tại nhà của Mather. Họ tìm thấy email trên một máy tính xách tay và tịch thu đường link web được Mather sử dụng.

Từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 11 năm 2015, Mather đã nhận được 172,73 bảng Anh thông qua tài khoản Paypal được liên kết với KaraokeKid.

Digitop ước tính khoản lỗ của mình là 485.000 bảng, dựa trên 44.000 lượt tải xuống bất hợp pháp trong ba năm. Sunfly Karaoke nói rằng sự mất mát từ việc sao chép và phân phối bốn album được dự đoán là gần 30.000 bảng.

Nick Court giám đốc thanh tra tại PIPCU nói: “Khi tất cả mọi người đều có thể sử dụng những ca khúc này, nó không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tham gia mà còn những người làm việc cho các doanh nghiệp đó, tác động tiêu cực đến sự phát triển của công ty.”

Tại Việt Nam, điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.

Mặc dù có các quy định rất rõ ràng cụ thể, tuy nhiên bản quyền karaoke vẫn là nỗi đau nhức nhối của những người làm nghệ thuật bởi việc thực thi chưa hiệu quả trên thực tế.

 Phạm Quang Hưng (Theo TBO)

Nguồn hình ảnh: Tinh tế