Posted on

Quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”

QUY CHẾ

Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” cho sản phẩm rượu của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai

(Ban hành kèm theo Quyết định số  11/-HTX,  ngày 10 tháng 08 năm 2022, của Giám đốc Hợp tác xã  Nông nghiệp Thanh Mai)

                                            

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu

Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) (sau đây gọi tắt là Quy chế) nhằm thống nhất công tác quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”; giúp bảo vệ uy tín, danh tiếng sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” cho sản phẩm rượu  của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

  1. Nhãn hiệu tập thể (NHTT): là nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” dùng cho sản phẩm rượu của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai sản xuất (nấu) được Nhà nước bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
  2. Chủ sở hữu NHTT: là Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai.
  3. Thành viên Hợp tác xã (HTX): là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia HTX là thành viên của Hợp tác xã.
  4. Người sử dụng nhãn hiệu tập thể: là thành viên Hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
  5. 5. Quản lý NHTT: là đơn vị được chủ sở hữu NHTT giao (ủy quyền) để quản lý NHTT.
  6. 6. Sản phẩm rượu: là loại rượu trắng truyền thống được sản xuất (nấu) theo phương pháp truyền thống (nguyên liệu gạo và men truyền thống).
  7. 7. Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHTT: (sau đây gọi tắt là “Giấy chứng nhận”) là văn bản ghi nhận quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu tập thể cho các thành viên đủ điều kiện theo quy định.

Điều 3. Phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng

  1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế quy định các nguyên tắc, nội dung quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” dùng cho sản phẩm rượu của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
  2. Đối tượng áp dụng: Quy chế áp dụng đối với Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai (là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể) và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu của Hợp tác xã. Quy chế không áp dụng cho các sản phẩm không phải là rượu hoặc là sản phẩm rượu nhưng không được sản xuất trên địa bàn xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai nằm trong vùng bản đồ vùng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể ”Rượu Làng Mai” đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Điều 4. Điều kiện về người được sử dụng nhãn hiệu tập thể

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đáp ứng các tiêu chí sau được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”:

  1. Là Thành viên chính thức của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai;
  2. Có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu.
  3. Tuân thủ các quy định liên quan về việc sử dụng khai thác nhãn hiệu của Hợp tác xã đã được thống nhất, ban hành.

Điều 5. Điều kiện sản phẩm được mang nhãn hiệu tập thể

  1. Sản phẩm rượu mang nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” do chính các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai sản xuất.
  2. Sản phẩm được sản xuất trên địa bàn xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội nằm trong bản đồ vùng sản xuất sản phẩm khi mang nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”.
  3. Sản phẩm đáp ứng các yêu cầu quy định của nhà nước đối với rượu truyền thống khi lưu thông.

Điều 6. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể

  1. Tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 và Điều 5 của quy chế này có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”.
  2. Việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu tập thể và các quy định của Hợp tác xã.

Điều 7. Sử dụng nhãn hiệu tập thể

Nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” được sử dụng theo các hình thức sau:

  1. Gắn lên sản phẩm, tem nhãn, bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch phục vụ hoạt động kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể;
  2. Lưu thông, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể;
  3. Xuất nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu tập thể.

 

CHƯƠNG II

QUẢN LÝ NHÃN HIỆU TẬP THỂ

Điều 8. Quyền sở hữu, quyền quản lý nhãn hiệu tập thể

  1. Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai là tổ chức duy nhất đại diện cho các thành viên HTX thực hiện quyền chủ sở hữu và là tổ chức quản lý đối với nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” cho sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật.
  2. Quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” thuộc về tập thể. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là thành viên HTX chỉ có quyền sử dụng khi đủ điều kiện.
  3. Nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” không được tự do chuyển nhượng, chuyển giao dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. Mọi biến động về nhãn hiệu tập thể đều phải được báo cáo đến toàn thể thành viên Hợp tác xã.

Điều 9. Nguyên tắc quản lý nhãn hiệu tập thể

  1. Nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” được quản lý theo nguyên tắc đồng thuận của các thành viên thông qua biểu quyết xây dựng và thông qua các quy chế, quy trình, quy định được xây dựng ban hành áp dụng.
  2. Hoạt động quản lý nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người sử dụng, để người sử dụng chủ động phát huy các thế mạnh và kỹ năng trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm.

Điều 10. Nội dung quản lý nhãn hiệu tập thể

  1. Quản lý nguồn gốc sản phẩm: tất cả các sản phẩm rượu phải là sản phẩm được chính các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai sản xuất trên địa bàn xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
  2. Chất lượng sản phẩm: Tất cả các sản phẩm rượu khi mang nhãn hiệu tập thể phải đáp ứng tiêu chí chất lượng do Hợp tác xã thống nhất ban hành.
  3. Quản lý Thành viên: Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai có trách nhiệm thường xuyên rà soát, cập nhật những thông tin về biến động của thành viên; động viên, tuyên truyền thành viên nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định của Hợp tác xã, các quy chế, quy trình về quản lý nhãn hiệu tập thể.
  4. Quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể: tất cả các sản phẩm rượu đáp ứng tiêu chí chất lượng được Hợp tác xã thống nhất ban hành đều được gắn nhãn hiệu theo một quy cách thống nhất, đúng về màu sắc, kích cỡ, đúng về chất liệu trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc biển quảng cáo, tài liệu giao dịch và các tài liệu khác…
  5. Quản lý công tác quảng cáo, phát triển sản phẩm: Hợp tác xã sẽ thống nhất công tác giới thiệu, quảng cáo như cách cung cấp thông tin, cách thể hiện biển hiệu, cách thể hiện tờ rơi… để phát huy tối đa hiệu quả của công tác quảng cáo, đồng thời Hợp tác xã khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động quảng cáo, giới thiệu phát triển sản phẩm nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu tập thể.
  6. Quản lý hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” bao gồm đăng ký, gia hạn, sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và theo Quy chế này.

 

CHƯƠNG III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN

Điều 11. Quyền, nghĩa vụ của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai

  1. Quyền của Hợp tác xã

Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai có quyền sau:

  1. a) Xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến, sửa đổi, ban hành và tổ chức triển khai quy chế này và các quy chế, quy trình, quy định khác liên quan đến quản lý nhãn hiệu tập thể;
  2. b) Kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm của các thành viên theo Quy chế;
  3. c) Kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể của người sử dụng theo Quy chế;
  4. d) Xây dựng và ban hành các văn bản, công cụ quản lý liên quan đến nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”;
  5. e) Kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể của các thành viên và các hành vi xâm phạm của các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên và có các biện pháp xử lý, hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo Quy chế hoặc theo quy định của Pháp luật;
  6. f) Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể lồng ghép trong các chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã hoặc của địa phương;
  7. g) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài địa bàn nhằm xử lý các hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu tập thể;
  8. h) Được quyền thu, chi các khoản phí sử dụng nhãn hiệu tập thể theo quy định của pháp luật và các quy định của Hợp tác xã.
  9. Nghĩa vụ của Hợp tác xã
  10. a) Tổ chức phổ biến hướng dẫn các thành viên thực hiện các quy chế, quy trình, quy định phát hiện và tập hợp các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế, quy trình, quy định liên quan để tiến hành sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời;
  11. b) Phổ biến, hướng dẫn cho người sử dụng về việc sử dụng, lưu trữ, lưu thông nhãn hiệu tập thể theo đúng quy chế;
  12. c) Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kết nạp thêm thành viên hoặc miễn trừ những thành viên không còn đáp ứng theo tiêu chuẩn của Hợp tác xã;
  13. d) Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm;
  14. e) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”;
  15. f) Hỗ trợ người sử dụng nhãn hiệu tập thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhằm gìn giữ và phát triển nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”;
  16. g) Nghĩa vụ chi đúng, chi đủ các khoản phí thu được theo quy định của pháp luật và điều lệ của Hợp tác xã, cũng như các quy định và nguyên tắc tài chính của Nhà nước;
  17. h) Có trách nhiệm mở các loại sổ sách để phục vụ cho công tác quản lý nhãn hiệu tập thể theo quy định và có nghĩa vụ giải trình trước thành viên và trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu tập thể

  1. Quyền của người sử dụng
  2. a) Được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” cho sản phẩm rượu đáp ứng các quy định tại Điều 6 Quy chế này;
  3. b) Được quyền sử dụng tên riêng, nhãn hiệu riêng của cơ sở, hộ gia đình cùng với nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” để phân biệt các sản phẩm rượu của mình với các sản phẩm rượu của thành viên khác;
  4. c) Được quyền cất giữ, lưu thông nhãn hiệu tập thể;
  5. d) Được quyền giới thiệu quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” ra thị trường;
  6. e) Được quyền tham gia góp ý kiến, biểu quyết các vấn đề liên quan tới việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình, quy định liên quan tới việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  7. f) Được quyền theo dõi, giám sát các hoạt động của Hợp tác xã liên quan tới việc quản lý nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” đối với sản phẩm rượu;
  8. g) Được quyền khiếu nại và đề nghị Hợp tác xã giải quyết khiếu nại khi có tranh chấp hoặc phát hiện hành vi vi phạm xảy ra;
  9. h) Được quyền tự bảo vệ hoặc đề nghị Hợp tác xã hay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đối với nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” khi bị xâm phạm theo quy định của Pháp luật;
  10. i) Được quyền tiếp cận thông tin liên quan tới chính sách, thị trường, công nghệ và các hỗ trợ khác của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân khác (nếu có) để phát triển sản xuất, kinh doanh.
  11. Nghĩa vụ của người sử dụng
  12. a) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của quy chế này và các quy định của Pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  13. b) Tuân thủ kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể do chủ sở hữu ban hành;
  14. c) Đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm khi gắn nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”;
  15. d) Tuân thủ các quy định về việc sử dụng mẫu nhãn, bao bì và các hoạt động quảng cáo liên quan đến nhãn hiệu tập thể;
  16. e) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của Hợp tác xã và các cơ quan chức năng có liên quan;
  17. f) Nghĩa vụ nộp đầy đủ các khoản phí sử dụng nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định.

CHƯƠNG IV

QUY ĐỊNH SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ

Điều 13. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận

Bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể gồm:

  1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể
  2. Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh (nếu có)
  3. Bản cam kết tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc sản phẩm
  4. Mẫu bao bì nhãn mác hiện đang sử dụng (nếu có)

Bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được gửi đến Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai.

Điều 14: Trình tự cấp Giấy chứng nhận

Đại diện Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (Ban Giám dốc HTX) có trách nhiệm xem xét cấp Giấy chứng nhận theo các bước sau:

  1. Tiếp nhận bộ hồ sơ của người đề nghị
  2. Kiểm tra hồ sơ về mặt thủ tục: nếu bộ hồ sơ đáp ứng các yêu cầu về mặt thủ tục thì tiến hành vào sổ và viết phiếu hẹn trả kết quả; trong trường hợp bộ hồ sơ chưa đáp ứng các yêu cầu, Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể có trách nhiệm hướng dẫn người đề nghị cho đến khi hoàn thành hồ sơ và viết phiếu hẹn ngày trả kết quả.
  3. Tiến hành thẩm tra nội dung hồ sơ theo các nội dung sau:
  4. a) Xác định người yêu cầu có phải là thành viên của Hợp tác xã không;
  5. b) Xác định sản phẩm có được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật không;
  6. c) Tiến hành đánh giá, so sánh sự phù hợp với các tiêu chí đã được ban hành.

Trong quá trình thẩm tra, nếu hồ sơ có những thiếu sót cần bổ sung, điều chỉnh, Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể phải báo cụ thể bằng văn bản cho người đề nghị để có biện pháp khắc phục. (Trong trường hợp này, thời điểm nhận đơn hợp lệ của người đề nghị được tính từ lần cuối cùng người đề nghị hoàn thành việc bổ sung, điều chỉnh hồ sơ).

Điều 15. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận  

  1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận Đơn hợp lệ của Người đề nghị, Đại diện HTX phải ra quyết định về việc cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận.
  2. Trong trường hợp từ chối cấp, Đại diện HTX phải nêu rõ lý do.

Điều 16. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn và cấp lại Giấy chứng nhận

Những trường hợp sau đây được sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc cấp lại Giấy chứng nhận:

  1. Thay đổi tên và địa chỉ của Người sử dụng
  2. Giấy chứng nhận bị mờ, hoen ố, rách nát
  3. Giấy chứng nhận bị mất, thất lạc
  4. Giấy chứng nhận hết thời hạn hiệu lực

Điều 17. Trình tự, thủ tục và thời hạn sửa đổi, bổ sung, gia hạn và cấp lại Giấy chứng nhận

  1. Người sử dụng có trách nhiệm làm đơn theo mẫu gửi đến Hợp tác xã để yêu cầu sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc cấp lại. Đơn phải nêu rõ lý do sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc cấp lại và kèm theo đó là Giấy chứng nhận gốc. Trường hợp Giấy chứng nhận bị mất hoặc thất lạc, đơn đề nghị cấp lại phải có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã.
  2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, HTX phải ra quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc cấp lại Giấy chứng nhận cho Người yêu cầu.

Điều 18. Giấy chứng nhận bị thu hồi hoặc hủy trong các trường hợp sau

  1. Giấy chứng nhận cấp sai đối tượng, cấp không đúng cho các sản phẩm theo quy định.
  2. Người sử dụng vi phạm Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể đến mức bị tước quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể vĩnh viễn.
  3. Người sử dụng có hành vi gian dối trong quá trình yêu cầu cấp Giấy chứng nhận.
  4. Người sử dụng tự ý sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận.
  5. Người sử dụng ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trong hai năm liên tiếp, hoặc có đơn tuyên bố chấm dứt hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu.
  6. Chuyển giao Giấy chứng nhận cho người khác (trừ trường hợp thừa kế).
  7. Người sử dụng Giấy chứng nhận có đơn tuyên bố từ bỏ quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể đã được cấp.
  8. Người sử dụng bị thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh.

 

CHƯƠNG V

KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 19. Quy định về kiểm tra, kiểm soát

  1. Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai giao Ban kiểm soát của Hợp tác xã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể với các nội dung cơ bản như sau:
  2. a) Kiểm tra, kiểm soát các hoạt động cấp, thu hồi, sửa đổi, gia hạn quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  3. b) Kiểm tra, giám sát hoạt động thu, chi tài chính của Hợp tác xã liên quan đến nhãn hiệu tập thể ;
  4. c) Kiểm tra, kiểm soát hoạt động liên quan đến sử dụng nhãn hiệu tập thể của các thành viên.
  5. Tổ kiểm soát hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước Đại hội xã viên. Kết quả kiểm tra, kiểm soát phải được công khai trước Đại hội xã viên và thông báo đến các thành viên (nếu có yêu cầu).
  6. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất theo kế hoạch hàng năm của Hợp tác xã và ban kiếm soát.

Điều 20. Hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể

Những hành vi sau đây được coi là hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”:

  1. Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như công bố hàng năm của Hợp tác xã.
  2. Người không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” nhưng sử dụng nhãn hiệu tập thể lên sản phẩm rượu do mình sản xuất, kinh doanh.
  3. Gắn nhãn hiệu tập thể lên sản phẩm không phải là sản phẩm rượu được sản xuất tại vùng sản xuất theo bản đồ xác định và sản phẩm không phải của thành viên Hợp tác xã.
  4. Sử dụng nhãn hiệu tập thể không đúng với mẫu nhãn đã được bảo hộ.
  5. Giới thiệu quảng cáo sai sự thật về nhãn hiệu tập thể, về sản phẩm rượu mang nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai”.
  6. Chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho người khác.
  7. Làm giả Giấy chứng nhận, tẩy xóa các thông tin trên Giấy chứng nhận; làm giả, tẩy xóa nhãn hiệu tập thể .
  8. Không nộp lệ phí sử dụng nhãn hiệu tập thể theo quy định.

Điều 21. Nguyên tắc, chế tài xử lý hành vi vi phạm

  1. Tất cả các hành vi vi phạm quy chế đều phải được giải quyết kịp thời nhanh chóng.
  2. Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Mai tự mình hoặc phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm.
  3. Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau:
  4. a) Cảnh cáo, nhắc nhở;
  5. b) Thu hồi, đình chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  6. c) Không cấp Giấy chứng nhận trong 3 năm liên tiếp;
  7. d) Miễn trừ tư cách thành viên;
  8. e) Phạt tiền theo quy định của pháp luật.
  9. f) Đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
  10. Đối với các hành vi vi phạm nhãn hiệu tập thể không nằm trong địa giới huyện Thanh Oai, người vi phạm không phải là thành viên thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý theo các quy định hiện hành của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản khác có liên quan.

Điều 22. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

  1. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có tranh chấp, bất đồng hoặc phát hiện có hành vi vi phạm các thành viên có quyền khiếu nại, tố cáo với Ban kiểm soát và lãnh đạo Hợp tác xã để xem xét, giải quyết.
  2. Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể phải được xem xét, giải quyết trên cơ sở Quy chế và điều lệ Hợp tác xã và pháp luật hiện hành của Nhà nước.
  3. Trường hợp vụ việc phức tạp, nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết Hợp tác xã sẽ có văn bản đề nghị chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Sửa đổi, bổ sung

  1. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh vướng mắc, thành viên hoặc các bộ phận trực thuộc Hợp tác xã cần tổng hợp trình Ban quản trị (HĐQT) Hợp tác xã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
  2. Mọi sửa đổi, bổ sung Quy chế này phải được Hợp tác xã lập thành văn bản và được ít nhất 2/3 số thành viên Ban quản trị biểu quyết thông qua.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

  1. Quy chế có hiệu lực thi hành theo quyết định ban hành.
  2. Các ông (bà): Trong Ban quản trị, ban kiểm soát, các tổ trưởng tổ Hợp tác, thành viên Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu mang nhãn hiệu tập thể “Rượu Làng Mai” chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.